Di sản Toyotomi_Hideyoshi

Thành Osaka được xây dựng lại sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Toyotomi Hideyoshi làm thay đổi xã hội Nhật Bản trên nhiều phương diện. Trong đó bao gồm việc áp dụng hệ thống đẳng cấp cứng nhắc, hạn chế đi lại, đo đạc đất đai và sản xuất.

Những cải cách về đẳng cấp ảnh hưởng đến cả những người bình dân lẫn các samurai. Trong thời kỳ Sengoku, việc nông dân trở thành chiến binh là bình thường, hay samurai về làm các công tác cai quản ruộng đất do sự thiếu vắng của một chính quyền địa phương mạnh và luôn có những giai đoạn hòa bình ngắn. Khi nắm quyền, Hideyoshi ban chiếu rằng tất cả nông dân phải giải giáp vũ khí[22]. Ngược lại, ông yêu cầu các samurai rời bỏ đất đai và đến sống ở các lâu đài[23]. Điều này củng cố hệ thống đẳng cấp xã hội trong suốt 300 năm tiếp theo.

Hơn nữa, ông ra lệnh tiến hành đo đạc toàn diện và tổng điều tra dân số. Khi việc này đã hoàn thành và tất cả các công dân đã được đăng ký, ông yêu cầu tất cả người Nhật sống từng được phân han (phiên) phải định cư ngay trên phần đất đó trừ khi họ được phép của chính quyền cho phép định cư nơi khác. Điều này thiết lập lại trật tự trong thời mà các toán cướp tung hoành ở vùng thôn quê và hòa bình mới được lập lại. Việc đo đạc đất đai cũng tạo một nền tảng cho hệ thống thuế về sau[24].

Năm 1588, Hideyoshi bãi bỏ một cách có hiệu quả chế độ nô lệ bằng việc ngừng việc buôn bán nô lệ. Hợp đồng và lao động ngoại quốc thay thế cho các nô lệ. Năm 1590 Hideyoshi hoàn thành việc xây dựng lâu đài Osaka, lâu đài lớn và có ảnh hưởng nhất trên toàn Nhật Bản trong việc chặn đứng các thế lực phía Tây tiến đến Kyoto.

Hideyoshi cũng đã tạo nhiều ảnh hưởng lên những mảng văn hóa quan trọng của Nhật Bản. Ông hào phóng chi tiền cho trà đạo, thu thập các dụng cụ đo đạc, tài trợ cho các hoạt động xã hội hoang phí, và là nhà bảo trợ bậc thầy nổi tiếng. Vì sở thích trà đạo lan truyền trong tầng lớp thống trị, vì vậy nảy sinh nhu cầu cần những đồ sứ chất lượng tốt, và trong suốt chiến dịch ở Triều Tiên, không chỉ những loại đồ sứ chất lượng hàng đầu bị tịch thu, rất nhiều nghệ nhân Triều Tiên cũng bị ép phải đến Nhật phục vụ cho nhu cầu này[25].

Bị ảnh hưởng bởi vẻ chói lọi của Đền Vàng ở Kyoto, ông cho tiến hành thiết kế những phòng thưởng trà sang trọng nhưng cũng rất gọn nhẹ để có thể mang theo được, được thiếp bằng vàng lá và lót bằng the đỏ. Nhờ sự cách tân di động này, ông có thể thưởng thức trà đạo bất cứ đâu ông muốn, thể hiện sức mạnh hiếm có và thân phận cao quý của mình khi xuất hiện.

Về chính trị, ông dựng nên một hệ thống chính quyền cân bằng thế lực của những lãnh chúa (hay daimyo) mạnh nhất Nhật Bản. Một hội đồng ra đời gồm những lãnh chúa giàu ảnh hưởng nhất với một nhiếp chính quan được chỉ định.

Cho tới trước khi qua đời, Hideyoshi vẫn hi vọng thiết lập được một hệ thống đủ ổn định để tồn tại đến khi con trai ông đủ lớn để nắm quyền lãnh đạo. Hội đồng Ngũ Đại Lão được thành lập, bao gồm năm daimyo quyền lực nhất. Tuy vậy sau cái chết của Maeda Toshiie, Tokugawa Ieyasu bắt đầu củng cố liên minh, gồm cả các cuộc hôn nhân chính trị (điều đã bị Hideyoshi cấm). Cuối cùng, quân đội hai phe Toyotomi quyết chiến với Tokugawa trong trận Sekigahara. Ieyasu chiến thắng và nhận tước hiệu Seii-tai Shogun (Chinh Di Đại tướng Quân) hai năm sau đó.

Ieyasu vẫn duy trì phần lớn các chiếu chỉ Hideyoshi và xây dựng Mạc phủ của mình trên cơ sở đó. Điều này đảm bảo các di sản văn hóa của Hideyoshi được bảo toàn.

Ta định thực hiện những công việc vinh quang và ta đã chuẩn bị cho một cuộc vây hãm lâu dài, với đầy đủ lương thực, vàng và bạc, vì vậy để trở lại trong niềm vui chiến thắng và lưu lại tên ta với sử xanh. Ta kỳ vọng phu nhân hiểu điều đó và sẽ nói với tất cả mọi người." -- Toyotomi Hideyoshi[26]

Trước khi chết, ông có làm một bài tanka nói về cuộc đời mình:

Tiếng Nhật


露と落ち
露と消えにし
我が身かな
浪速のことは
夢のまた夢

Âm đọc Romanji


Tsuyu to achi
Tsuyu to kaenishi
wagamikana
Naniwano kotowa
yume no mata yume

Tạm dịch Việt văn


Đến như sương buông xuống
Đi tựa sương phai tàn
Cuộc đời ta chỉ vậy
Ngay cả Naniwa[27] lộng lẫy
Cũng tựa hồ mộng trong mộng mà thôi